Cáo tuyết Bắc Cực nuôi như chó,mèo ở Việt Nam.
Tưởng rằng cáo Bắc Cực (hay còn gọi là cáo tuyết) chỉ có thể sống ở nơi có thời tiết khắc nhiệt băng giá, nhưng khá lạ khi hiện loài vật này đang được một số người nhân nuôi, bán phục vụ nhu cầu cho giới mê thú cưng ở Việt Nam.
Anh Phan Minh Hồng - chủ trại kinh doanh các loài thú cưng ở Bình Dương cho biết, hiện trang trại của anh đang nuôi cả chục loài khác nhau gồm các loài chim gà quý hiếm, trong đó có mặt hàng rất đặc biệt là cáo Bắc Cực (có tên khoa học là Vulpes lagopus).
"Hiện tôi đang nuôi hàng chục cá thể cáo Bắc Cực, đây chủ yếu là các cá thể được nhân giống thành công từ cáo bố mẹ được nhập về từ một công ty đầu mối trung gian ở Hà Lan” – anh Minh Hồng tiết lộ.
Anh Minh Hồng cho biết, các chú cáo Bắc Cực trên do được nuôi thuần hóa và được lai tạo qua nhiều thế hệ nên có thể sống được ở các môi trường đa dạng. Loài cáo này có thể sống được cả ở môi trường băng giá như Bắc Cực cũng như nơi có khí hậu nhiệt đới là Việt Nam.
Anh Minh Hồng cho biết thêm, ở ngoài đời thực tại Bắc Cực, loài cáo này vốn là thú ăn thịt và xác thối nhưng khi lai tạo về Việt Nam cáo lại được làm quen với các thức ăn công nghiệp dạng viên khô mà mọi người hay dùng cho chó, mèo ăn.
“Loài cáo này rất thuần, ngoan hiền nên người chơi có thể yên tâm mua nuôi chơi như các loài thú cưng như chó, mèo khác mà không lo sợ bị nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe” – anh Minh Hồng khẳng định.
Hiện, trang trại của anh Minh Hồng đang bán độc quyền loài cáo Bắc Cực này tại Việt Nam với giá khá cao. Với những con cáo mới đẻ nuôi được vài tuần tuổi đến vài tháng tuổi được khoảng 3 – 4kg có giá từ 15 đến 20 triệu đồng/con. Còn đối với những con cáo trưởng thành (khoảng 1 – 2 tuổi tương đương với trên dưới 15kg) được anh Minh Hồng bán với giá trên 25 triệu đồng/con.
“Tôi mới kinh doanh được 2 năm nay, hàng cáo này rất hiếm, dù giá cao nhưng cũng có khá nhiều người mua nuôi. Đa phần ai có nhu cầu phải đặt trước từ vài tuần đến vài tháng mới có hàng” – anh Minh Hồng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt qua điện thoại, ông Trần Quang Phương – Cán bộ quản lý chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê thuộc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã (một tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam có trụ sở tại rừng quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình) tỏ ra khá bất ngờ về thông tin này.
Ông Phương cho biết: Loài cáo này đã được liệt kê trong sách đỏ của IUCN (danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới) nhưng loài này không ghi nhận trong danh mục thuộc CITES quản lý (Công ước CITES hay còn gọi là công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (hiện cơ quan quản lý CITES đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NNPTNT).
Lý giải về việc cáo Bắc Cực có thể nuôi được ở Việt Nam, ông Phương cho rằng: Có những loài thú được tạo ra từ loài thuần chủng nên có thể nuôi được giống như vật nuôi cảnh bằng cách lai tạo với giống vật nuôi thông thường. Phương pháp ghép lai có thường là giữ lại 75% nguồn gen gốc còn 25% là một giống vật nuôi khác. Điều này giúp động vật có thể thích nghi với nhiều điều kiện sống khác nhau mà vẫn giữ được hình dáng hoang dã. Chính vì thế mà cáo Bắc Cực không chỉ nuôi được ở khí hậu Việt Nam mà còn ở nhiều vùng khí hậu khác cũng nuôi được.
Trả lời câu hỏi về việc người nuôi chơi loài này có ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng không, ông Phương khuyến cáo: “Vấn đề này phải quan tâm hơn vì đây là loài hoang dã hoặc dù là loài thuần chủng cũng không nên lơ là. Bởi mình cũng có rất nhiều bài học từ việc nuôi chó Phú Quốc, loài tấn công người rất nguy hiểm”.
Theo danviet.vn
- »» Chiêm ngưỡng gà đuôi dài 2m, giá hàng chục triệu đồng ( 31.12.2016 )
- »» Sự thật về giông gà onagadori ( 17.12.2016 )
- »» Hàng loạt giống gà lạ khắp thế giới ở trang trại Bình Dương ( 01.11.2016 )
- »» Trào lưu kinh doanh gà độc, lạ cho năm Đinh Dậu ( 01.11.2016 )
- »» Cận cảnh Cặp gà Đông Tảo giá 100 triệu đồng chưa bán ( 03.05.2016 )
- »» Kỹ thuật nuôi chim công ( 24.04.2016 )
- »» Điểm đặc biệt trong nội tạng của gà đen Indonesia ( 12.04.2016 )
- »» Giá trị của Gà đen Indonesia ( 11.04.2016 )